Thứ nhất, điện là một hàng hóa đặc biệt. Đứng về mặt năng lượng, điện là năng lượng có chất lượng cao nhất, nhiệt là năng lượng giá thấp nhất. Muốn có điện, phải sản sinh từ nhiều nguồn: Đốt nhiên liệu hóa thạch từ than, khí dầu, từ thủy điện, điện năng lượng mặt trời...
Về nguyên tắc, chúng ta càng dùng nhiều điện thì càng dùng nhiều tài nguyên thiên nhiên, càng làm ô nhiễm môi trường. Do đó, trên toàn thế giới, người ta đều tính giá điện theo dạng bậc thang, càng dùng nhiều điện thì càng phải trả nhiều tiền. Cũng giống như thuốc lá, rượu bia có thuế tiêu thụ đặc biệt, dùng càng nhiều phải trả càng nhiều.
Về mặt kỹ thuật, ta có thể hiểu phần lớn sản lượng điện của VN được sản xuất từ 2 nguồn: Thủy điện và nhiệt điện than. Hai nguồn này có giá thành tương đối thấp. Khi nguồn tiêu dùng tăng cao, nguồn thủy điện và nhiệt điện than sử dụng không đủ buộc phải huy động từ các nguồn khác giá thành cao hơn như nhiệt điện khí, điện mặt trời, phát điện bằng dầu diezen.
Rõ ràng, nếu chúng ta dùng ít giá thành sẽ thấp, nhưng khi ai cũng dùng nhiều lên sẽ phải huy động từ các nguồn đắt hơn. Nguyên tắc của hệ thống là dùng càng nhiều, chi phí phát điện càng lớn. Vì vậy, Nhà nước và người bán buộc phải tính cách tính phí tăng giá.
Đứng về mặt xã hội, giá điện phải chia bậc thang, vì nếu tính giá trung bình, sẽ thiệt thòi cho những người có thu nhập thấp và tiêu dùng ít điện, với mức độ tiêu thụ chỉ khoảng 100 số điện/tháng trở xuống.